“Vui học” Ngữ Văn với phương pháp Sân khấu hóa

11:28 17/08/2022

Ngữ Văn có lẽ là một môn học “khó nhằn” trong cảm nhận của phần lớn các bạn học sinh, sinh viên. Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học giúp người học khơi gợi ý nghĩ tìm hiểu sâu về tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, giúp các bạn được học tập trải nghiệm sáng tạo.  

Ngữ Văn là môn học mang lại nhiều kiến thức, bồi dưỡng tâm hồn cho người học. Với phương châm tích cực đổi mới phương pháp dạy & học phù hợp với nhu cầu thực tế của sinh viên, Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic đã thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá trong đó có hoạt động sân khấu hóa.   

Tham gia hoạt động sân khấu hóa này, sinh viên của từng lớp được lựa chọn những tác phẩm ngữ văn, trích đoạn văn học trong chương trình giảng dạy để nghiên cứu, chuyển thể sang hình thức sân khấu hóa. Thông qua hình thức trình diễn, các tác phẩm văn học dường như sống động và hấp dẫn hơn so với những giờ giảng trên lớp. Các bạn sinh viên được dành thời gian nghiên cứu về đặc điểm, tính cách nhân vật, từ đó “nhập vai” sao cho sát nhất với nội dung của tác phẩm văn học. 

Cô Vũ Thu Trang – GV Ngữ Văn tại Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic Hải Phòng chia sẻ: Từ hướng dẫn chung, bản thân mình luôn muốn sinh viên được trải nghiệm, được phát triển năng lực, sở trường của bản thân, tự tin hơn, sáng tạo hơn nên mình đã hướng dẫn sinh viên xây dựng kịch bản dựa trên một số các tác phẩm văn học như Tấm Cám, An Dương Vương, Mị Châu - Trọng Thuỷ, Chí Phèo. Buổi sân khấu hoá cũng là cách mới để sinh viên thêm yêu thích bộ môn Ngữ Văn hơn.”  

Cô Vũ Thu Trang – GV Ngữ Văn tại Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic Hải Phòng

Cô Trang tâm sự rằng bản thân rất ấn tượng với sự sáng tạo của các bạn sinh viên thông qua các đạo cụ mà các bạn tự chuẩn bị cho buổi biểu diễn của mình. Để tác phẩm thêm sinh động các bạn sinh viên tự làm áo lông ngỗng, mai rùa làm bằng lồng bàn ăn cơm, cây cau,… Trong quá trình tập luyện, các bạn sinh viên rất chủ động, tích cực, đoàn kết và sáng tạo, tự lên lịch, tự đôn đốc nhau tập luyện. Với cả 3 tiết mục sân khấu hoá đều cho thấy sự đầu tư công phu của sinh viên. Tiết mục Chí Phèo và Tấm Cám mang tính hài hước nhưng cũng rất nhân văn, tiết mục An Dương Vương, Mị Châu- Trọng Thuỷ rất sáng tạo khi kết hợp với âm nhạc, tạo nên không khí hào hùng của thời kì lịch sử dựng nước, giữ nước.  

“Thực ra hôm đó dù chỉ có 3 lớp PC1701, PC1705, PC1706 tham gia buổi báo cáo nhưng mình cũng mời các thầy cô ở phòng đào tạo, tổ cơ bản đến tham dự và giữ vai trò giám khảo, cầm cân nảy mực. Kết thúc buổi sân khấu hoá, thầy cô và sinh viên đều thích thú với 3 tiết mục nhưng hoàn chỉnh nhất là tiết mục An Dương Vương, Mị Châu - Trọng Thuỷ của lớp PC 1705” - Cô Thu Trang chia sẻ.  

Sinh viên Nguyễn Phạm Khánh Linh - đại diện lớp PC1705 chia sẻ: “Hoạt động lần này lớp em tham gia rất tích cực, điều ấy được thể hiện bởi 100% các bạn trong lớp đều tham gia vào quá trình thực hiện. Mặc dù các bạn đều rất tích cực nhưng chúng em cũng gặp chút khó khăn trong quá trình thực hiện. Đó chính là việc các bạn không đến được để tập luyện thường xuyên, vì các bạn trong lớp phần lớn đều nhà xa, để đi được đến trường và đúng giờ hẹn tập thì phải dậy khá sớm và cũng tùy thuộc vào thời tiết của hôm đó nữa nên cũng có bữa đi được bữa không khiến cho việc tập luyện bị gián đoạn, nên chúng em mất khá nhiều thời gian cho buổi biểu diễn này.  

Chúng em chuẩn bị kịch bản và lên ý tưởng trong vòng 1 tuần và luyện tập cùng nhau gần 3 tuần. Ngoài việc sáng đến sớm tập, chúng em cũng tập thêm vào giờ ra chơi, và ở lại tầm 10 - 20p cuối giờ để sắp xếp đội hình tập khớp với nhau. Những lúc tập luyện mệt mỏi và căng thẳng thì các bạn trong lớp sẽ tự bày trò để trêu nhau khiến bầu không khí vui tươi hơn, quên đi những mệt mỏi.”  

Một phân cảnh trong tác phẩm biểu diễn được bạn Khánh Linh chia sẻ

Phần lớn đạo cụ của các bạn sinh viên như giáo, bàn cờ, trang phục của nhân vật chính và đội múa đều đi thuê bên ngoài. Khánh Linh vui vẻ chia sẻ rằng khi đi thuê trang phục được chủ tiệm tạo điều kiện rất tốt vì được giảm giá và cầm về trước nhiều ngày để luyện tập. Còn về kiếm, áo lông ngỗng đều được các bạn tự làm bằng giấy, chỉ riêng khó khăn nhất là làm cái mai rùa cho thần Kim quy. “Vì chúng em lựa chọn bạn thần này khá to béo nên đi khắp cái Hải Phòng không có chỗ nào thuê được bộ vừa cho bạn ý. Nếu có cũng chỉ có size cực kì nhỏ vậy lên chúng em đã mang lồng bàn màu xanh từ nhà đi và gắn thêm giấy màu để làm hình trên mai rùa, gắn thêm dây để bạn ấy đeo lên vai” - Linh chia sẻ.  

Tác phẩm An Dương Vương, Mị Châu - Trọng Thủy qua những nét diễn của các bạn sinh viên lớp PC1705

Khánh Linh bộc bạch: “Theo em thì cách học này mang lại sự tự tin và bạo dạn hơn cho các bạn khá rụt rè với các hoạt động của lớp, kiểu tính cách hướng nội. Em muốn cho các bạn thấy rằng chỉ cần mở lòng và hòa nhập với mọi người, tích cực tham gia hoạt động thì các bạn cũng sẽ mang lại được 1 thành quả vô cùng tuyệt vời chứ không kém bất cứ ai cả. Và hoạt động sân khấu hóa này cũng giúp các bạn tập trung, thể hiện bản thân nhiều hơn, từ đó sẽ hiểu tác phẩm mà mình đang học hơn chứ không phải học xong, viết xong để đấy và không nhớ mình vừa học nội dung gì”.  

Bạn Đỗ Kim Hòa đại diện sinh viên lớp PC1706 chia sẻ: “Nhóm em thể hiện sân khấu hóa tác phẩm Tấm Cám. Trong quá trình tập luyện khoảng 3 - 4 tuần cũng gặp phải một số khó khăn. Một số bạn bận công việc nên việc tập luyện của bọn em có phần hạn chế, các thành viên trong lớp cũng không có kĩ năng diễn xuất nên việc phân chia nhân vật cũng phải chọn khá lâu. Nhờ phương pháp sân khấu hóa này giúp bọn em hiểu rõ hơn về các tác phẩm theo nhiều khía cạnh khác nhau, giúp bọn em được thoả sức sáng tạo, đoàn kết và tạo ra được nhiều tiếng cười”.  

Tác phẩm sâu khấu hóa Tấm Cám mang lại nhiều tiếng cười cho khán giả

Trong buổi sân khấu hóa này, lớp PC1701 thể hiện tác phẩm “Chí Phèo”, một tác phẩm phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống thời buổi bấy giờ. Cô nàng Nguyễn Ngọc - đạo diễn tác phẩm biểu diễn chia sẻ: “Đây là một thử thách đối với chúng em, nhân vật trong câu chuyện này có cảm xúc rất giàu cảm xúc, vì vậy rất khó để lột tả hết được nội tâm nhân vật. Trong lúc thảo luận chúng em đã có những lúc tranh cãi vì bất đồng quan điểm nhưng rồi đã tìm được tiếng nói chung vì hiểu được rằng tất cả thành viên đều mong muốn mang lại tác phẩm biểu diễn hoàn hảo nhất. 

Câu chuyện về nhân vật Chí Phèo được diễn tả sinh động bởi lớp PC1701

Em đánh giá bạn diễn nhân vật Chí Phèo là tròn vai nhất vì bạn bộc lộ được cá tính của nhận vật. Những buổi hoạt động như vậy giúp chúng em thấu hiểu nhau hơn, cùng đoàn kết, gắn bó để đạt được thành quả chung.”  

Thực tế cho thấy, quá trình nhập vai vào nhân vật, các bạn sinh viên cũng gặp không ít khó khăn, đôi khi còn có sự mâu thuẫn giữa tính cách của bản thân với tính cách của nhân vật. Nhưng thông qua quá trình trao đổi, thảo luận với bạn bè, thầy cô sẽ giúp các bạn hiểu hơn, từ đó khắc sâu kiến thức. Hy vọng phương pháp sân khấu hóa sẽ phát huy được tính sáng tạo và mang lại hiệu quả với các bạn sinh viên.  

NHƯ QUỲNH  

Cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN TRỰC TUYẾN

  • This field is for validation purposes and should be left unchanged.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *