Thầy Phạm Vũ Mạnh hiện đang là giảng viên bộ môn Vật lý của PTCĐ FPT cơ sở Hải Phòng. Từ suy nghĩ muốn thử sức, dần dần thầy đã có được những kỷ niệm đáng nhớ và thành tựu đáng ngưỡng mộ.
Thầy giáo sinh năm 1990 đã đam mê bộ môn khoa học Vật lý từ rất lâu. Đến năm 24 tuổi thì quyết định sự nghiệp sẽ đi theo bộ môn Vật lý này và thầy bắt đầu trực tiếp giảng dạy từ năm 2017. Điều làm thầy yêu thích và quyết định gắn bó với bộ môn này là do Vật lý là một môn khoa học mang tính thực tiễn rất cao. Có rất nhiều câu hỏi thầy nhận được từ các bạn học sinh, sinh viên trong quá trình đi dạy trước đó hầu hết sẽ sử dụng kiến thức Vật lý để trả lời. Với mong muốn được tìm hiểu thêm về các sự vật hiện tượng xung quanh và mang tới cho các bạn học sinh, sinh viên nhiều kiến thức thú vị đó nên thầy lựa chọn Vật lý.
Thầy Mạnh chia sẻ: “Mình biết tới PTCĐ FPT từ khá lâu rồi vì mình cũng có nhiều em học sinh cấp 2 sau khi học xong dưới Hải Phòng thì lên Hà Nội để học tiếp ở FPT. Năm nay khi nghe tin Tổ chức giáo dục FPT bắt đầu triển khai chương trình PTCĐ FPT ở dưới Hải Phòng thì mình nghĩ đây là cơ hội để mình thử sức trong một môi trường chuyên nghiệp, năng động và sáng tạo nên mình lựa chọn nộp hồ sơ đăng kí giảng dạy”.
Với thầy Mạnh thì kỉ niệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp đi dạy là những ngày tháng bắt đầu phải dạy online. Khi mà cả thầy và trò đều rất bỡ ngỡ với nhiều thao tác và yêu cầu của tiết dạy - học online. Bên cạnh việc phải cập nhật nhiều kiến thức mềm, lúc này thầy lại vừa phải suy nghĩ các phương án triển khai tiết dạy sao cho vẫn thu hút sinh viên, vừa cố gắng tận dụng triệt để nguồn tài nguyên cho dạy và học online. Thời điểm đó vô cùng bận rộn nhưng lại có được sự ủng hộ và tham gia rất tích cực của các bạn sinh viên nên thầy coi đó là một cơ hội để “update bản thân”. Và các bạn sinh viên cũng khá thích thú với việc học online vì tính kịp thời. Thậm chí đến giờ khi đã đi học offline ở trường rồi thì những buổi ôn thi và sau khi kết thúc bài thi, cả thầy và trò đều rất háo hức online để chia sẻ với nhau rất nhiều điều. Và thầy Mạnh nghĩ đây là yếu tố giúp bản thân có thêm thời gian với sinh viên, tìm hiểu thêm để có thể đưa ra nhiều các phương án dạy và học hoàn thiện hơn.
Cũng do môn Vật Lý là một môn khoa học thực nghiệm nên có nhiều phần nội dung phải được trải nghiệm thực tế, nhiều thí nghiệm phải được thực hành một vài lần thì người học mới hiểu và nắm rõ. Từ đó mới thấy hứng thú với môn học này được. Nên khó khăn nhất trong môn học này theo thầy chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là cơ sở vật chất và đồ dùng thí nghiệm. Để vượt qua khó khăn này thì: một là, giáo viên cần lựa chọn những ví dụ thực tế, gần gũi với sinh viên để sinh viên dễ mường tượng. Hai là, giảng viên cần tăng cường khả năng CNTT, tích cực sử dụng các phần mềm, thí nghiệm ảo. Ba là, sinh viên cần rèn luyện tính chủ động, tích cực, tìm hiểu thêm kiến thức từ nguồn tài liệu mở dưới sự hướng dẫn của giảng viên”.
Môn Vật Lý thuộc phân môn khoa học cơ bản nên mình cũng hy vọng là sau khi học xong bộ môn này thì các bạn sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức cơ bản nhất, từ đó có thể hiểu được bản chất của sự vật, hiện tượng, nguyên lý hoạt động cũng như giải thích được những hiện tượng xung quanh. Có như vậy thì các bạn ấy mới cảm thấy hứng thú và có nhu cầu tìm hiểu những kiến thức ở mức cao hơn. Và dần dần cảm thấy môn Vật Lý đỡ “khoai” hơn” - Thầy Phạm Vũ Mạnh chia sẻ.
Trước đây khi dạy ở trường học dân lập thầy có tham gia hướng dẫn học sinh đề tài Khoa học kĩ thuật được giải Ba năm 2019. Ngoài ra, thầy còn hướng dẫn ôn thi đại học. Tại học kỳ Fall 2021 thầy có thành tích là được trung bình 3,95/4 GPA. Và hiện thầy đang chuẩn bị được lựa chọn đảm nhiệm vị trí tổ trưởng bộ môn bắt đầu từ kỳ Spring 2022.
Xin chúc mừng thầy Phạm Vũ Mạnh đã có một bước tiến trong sự nghiệp của mình. Chúc thầy sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.