Sinh viên PTCĐ Hà Nội hiện đang truyền tay nhau những chiếc máy tập gym mini xinh xắn, ngộ nghĩnh với sự thích thú và bàn tán sôi nổi. Được biết, đây là sản phẩm của tiết học theo dự án của các giảng viên Vật Lý trong trường. Hãy cùng chúng mình gặp gỡ cô Thanh Bình - giảng viên trẻ trung, vui vẻ và hài hước có tiếng tại PTCĐ Hà Nội để cùng tìm hiểu nhé!
Dự án hoạt động thực hành mô hình Vật lý đầu tiên tại PTCĐ Hà Nội
Trong tư duy của nhiều người, Vật lý là một trong những môn học khiến nhiều thế hệ học sinh phải “đau đầu” về độ khó, độ nặng của kiến thức. Tuy nhiên, tư duy đó sẽ bị “phá tan” bởi đội ngũ giảng viên của PTCĐ. Bởi các thầy cô thường xuyên áp dụng những phương pháp mới, thí nghiệm hấp dẫn khiến cho nội dung học tập trở nên thú vị hơn bao giờ hết. Tiết học thực hành lắp máy tập gym mini của cô Thanh Bình chính là một ví dụ điển hình.
Cô Thanh Bình hiện là trưởng bộ môn Vật lý ở PTCĐ Hà Nội. Khi được hỏi về mô hình mini xinh xắn, ngộ nghĩnh đang được sinh viên bàn tán xôn xao, cô chia sẻ: “Bộ môn Vật lý hiện đang triển khai hoạt động thực hành 6 mô hình Vật lý cho sinh viên. Mô hình tập gym chính là 1 trong 6 mô hình đó”.
Từ những dụng cụ đơn giản, qua hướng dẫn của cô Thanh Bình, sinh viên thành công lắp được những mô hình tập gym nhỏ xinh biết chuyển động. Nhìn sự vận hành của mô hình tập gym, nhiều sinh viên ồ lên thích thú. Sự hoạt động của mô hình là dẫn chứng thực tế cho nhiều kiến thức Vật lý mà sinh viên đã học trong giáo trình. “Mô hình tập gym và 5 mô hình được đưa vào giảng dạy chủ yếu vận dụng kiến thức Vật lý 11 (điện và từ). Qua hoạt động thực hành lắp ráp mô hình, sinh viên có nhận biết cụ thể, rõ ràng hơn về hai cực của nguồn trong thực tế, cách đấu nối mạch điện, đảo chiều dòng điện, tương tác lực từ giữa dòng điện với nam châm…” - Cô Thanh Bình chia sẻ
Được biết, đây là lần đầu tiên ở PTCĐ đưa việc dạy học theo dự án vào bộ môn Vật lý. Khi được tự tay lắp ráp mô hình theo nguyên lý đã được học, sinh viên vô cùng hào hứng, phấn khích, hoạt động nhóm rất tích cực và vui vẻ đón nhận thành quả.
Ý nghĩa của phương pháp giảng dạy mới lạ và suy ngẫm nghề nghiệp của giảng viên trẻ
Cô Thanh Bình đánh giá cao ý nghĩa của dự án học tập mới mẻ này, cô chia sẻ: “Dự án có ý nghĩa rất lớn với việc học và tiếp cận kiến thức môn Vật lý cho sinh viên, môn học bị “gắn mác” khô khan, nặng kiến thức, đôi khi khó hiểu với đa số các bạn trẻ. Hoạt động xây dựng mô hình này giúp các bạn cải thiện tốt kĩ năng làm việc nhóm, bởi việc ghép nhóm là ngẫu nhiên, sinh viên cần học cách thích nghi, hợp tác với những người chưa từng làm việc cùng. Bên cạnh đó, sinh viên còn được rèn luyện tính cẩn thận, tỉ mỉ vì các dụng cụ đều rất nhỏ, rất dễ hỏng, gãy, tính kiên trì theo đuổi mục tiêu vì có thể hỏng nhiều lần mới vận hành được mô hình…”
Tuy nhiên, trước khi chính thức bắt tay vào triển khai dự án, cô Thanh Bình đã suy nghĩ và băn khoăn khá lâu: “Thực sự thì tôi cũng hơi lo lắng, sợ hoạt động này sẽ không phù hợp với đối tượng sinh viên PTCĐ, sợ các bạn sinh viên không đón nhận. Nhưng may mắn thay, bản thân tôi cũng là người trẻ, không sợ thất bại, thích đổi mới với phương châm “không thử sao biết”. Bởi vậy, tôi đã quyết tâm triển khai dự án STEM này. Tôi quyết tâm để giúp sinh viên PTCĐ có cái nhìn khác, suy nghĩ khác về Vật lý - Môn học mang nhiều định kiến về sự khô khan, khó nhằn. Và kết quả, dự án lần này thành công hơn cả mình mong đợi. Tôi nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các bạn sinh viên, đặc biệt từ các bạn sinh viên đang được đánh giá là có sức học chưa tốt”.
Dự án học tập sáng tạo không chỉ có tác động không nhỏ khi đem tới nhiều hiệu quả cho sinh viên mà còn đem tới nhiều suy ngẫm cho giảng viên Thanh Bình. Là một nhà giáo dục trẻ, cô thấm nhuần hơn tư tưởng giáo dục tiến bộ và có cái nhìn sâu hơn về những sinh viên của mình: “Thực sự thì qua dự án lần này, tôi có cơ hội hiểu sâu hơn về câu nói: “Đừng đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây”. Tôi phát hiện thêm những góc nhìn mới và nhận thấy rằng sinh viên PTCĐ thực sự xuất sắc hơn sự thể hiện và bày tỏ của các bạn ấy. Các bạn sinh viên không chỉ năng động, sáng tạo, mà còn có rất nhiều ưu điểm, năng lực tiềm tàng chưa được khai phá. Tôi mừng vì những năng lực đó được học tập và đào tạo tại PTCĐ Hà Nội - Môi trường hiện đại, cởi mở, cấp tiến. Và cũng hy vọng trong thời gian sinh viên học ở PTCĐ, các thầy cô có thể giúp các bạn khai phá được những khả năng tiềm ẩn bên trong, giúp các bạn nhìn ra được giá trị thực sự của bản thân, để các bạn hiểu rằng các bạn cừ hơn mình nghĩ rất nhiều”.
“Môi trường PTCĐ cũng là một môi trường giáo dục hoàn toàn khác biệt với những môi trường tôi đã công tác trước đây. Văn hoá tôn trọng sự khác biệt là một trong những điểm khác biệt lớn của PTCĐ với những trường đào tạo nghề khác. Tại đây, sinh viên không chỉ được học nghề mà còn được học rất nhiều kĩ năng cần thiết phục vụ cho công việc sau này như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề… Và hơn hết, giảng viên ở đây luôn yêu thương, tôn trọng dù các bạn là ai, bạn đã từng có câu chuyện riêng của bản thân như thế nào...Với bản thân tôi, được làm việc trong môi trường cởi mở, trẻ trung và tôn trọng sự khác biệt như vậy có ý nghĩa rất nhiều trong hành trình phát triển nghề nghiệp của tôi” - Cô Bình trả lời.
Sinh viên sẽ phát triển năng lực tối đa nếu gặp được môi trường tốt và thầy cô nhiệt huyết. Phổ thông Cao đẳng Hà Nội chúc cô luôn dồi dào nhiệt huyết và sự sáng tạo, để tạo nên thật nhiều giá trị, nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển của thế hệ trẻ tương lai!