Vào ngày 20/3, tại Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở HCM đã tổ chức Hội thảo “Định hướng phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS vào Cao đẳng”, trong chương trình, TS Tô Nhi A đã cung cấp thêm nhiều thông tin bổ ích cho các bậc phụ huynh để cùng con đưa ra những quyết định quan trọng cho tương lai.
Tránh “lối mòn” suy nghĩ về sự học
Tư tưởng “định hướng các con học hết lớp 12 và đi học đại học” đã tồn tại rất lâu và trở thành một lối mòn trong tư duy của các phụ huynh. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu nguồn nhân lực trên thực tế đã thay đổi, bức tranh đào tạo ở Việt Nam cũng đã mở rộng hơn rất nhiều.
Để đáp ứng nhu cầu các doanh nghiệp, tránh tình trạng thừa thầy thiếu thợ, các hướng đi phân luồng mới vào các trường trung cấp, cao đẳng đã được đề ra với mong muốn giúp các bạn học sinh sau THCS rút ngắn được thời gian học tập, tiết kiệm chi phí và được đào tạo bài bản về thực hành ngành nghề nghiệp.
Ở mức độ 15 tuổi các nhóm năng lực cơ bản đã bộc lộ, các bạn học sinh có thể xem xét tính cách để xác định được những nghề nghiệp phù hợp. Việc tất cả các bạn học sinh chạy theo con đường học hàn lâm, trong khi bản thân mong muốn được làm những công việc thực hành, sẽ khiến cho một nguồn lực xã hội, gia đình và bản thân bị lãng phí đi rất nhiều.
TS Tô Nhi A mong muốn các vị phụ huynh hãy hiểu rằng: “Con lựa chọn rẽ hướng sau THCS không phải là vì đứa trẻ tệ hay quậy phá, dù chúng ta chọn lựa con đường nào, cũng chỉ vì một lý do là con đường đó phù hợp với năng lực và mong muốn của con. Và đều là một con đường đi đến tương lai”.
Việc sử dụng những quan điểm trước đây để áp đặt lên việc học của con ở hiện tại sẽ dẫn đến những tổn thương trong tâm lý của trẻ. Hãy để con có thể tự tin vào bản thân và sự lựa chọn của mình, tin tưởng và cảm thấy tự hào khi con dám lựa chọn hướng đi vì con đã biết rằng mình muốn làm gì trong tương lai, tiết kiệm thời gian của bản thân.
Quan trọng nhất là sự gật đầu của đứa trẻ
Vì các con sẽ là người tiếp nhận sự học, nên chính các bạn phải là người mong muốn và chủ động lựa chọn điều đó. Khi đứa trẻ được lựa chọn, các bạn sẽ không đổ lỗi cho ba mẹ đã ép buộc và sẽ có trách nhiệm hơn với việc học của mình.
Việc sinh viên theo học một ngành nào đó chỉ vì mong muốn của bố mẹ, đã khiến cho các bạn đi học với một tâm thế không cởi mở, không sẵn sàng và không chủ động. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến các bạn sinh viên việc thất nghiệp sau khi ra trường hiện nay.
Phụ huynh hãy lắng nghe những mong muốn của con, liệu con có sẵn sàng để theo đuổi một quá trình học dài hơi lên các bậc học THPT, đại học, hay các bậc học cao hơn để trở thành một người nghiên cứu hàn lâm. Hay các bạn muốn rút ngắn thời gian học, muốn được đi làm từ sớm để trở thành một người giỏi thực hành trong doanh nghiệp.
Cô Tô Nhi A cũng đã gửi gắm đến các bạn học sinh rằng chính các bạn là người chịu trách nhiệm cho những lựa chọn và quyết định hiện tại, vậy nên hãy chủ động với những lựa chọn của mình: “Các con vẫn thường nói rằng ba mẹ không hiểu con, bất công với con, vậy tụi con có công bằng với ba mẹ chưa? Có dám chịu trách nhiệm với ba mẹ chưa? Có chủ động trao đổi cùng bố mẹ chưa? Mình chưa làm thì không thể bắt ba mẹ hiểu mình được! Vậy nên phải chủ động trao đổi những gì mình mong muốn trong tương lai để chọn được ngành học phù hợp với bản thân mình.”.
Ngành nghề nào là phù hợp với con?
Công việc trong tương lai chính là đích đến của các con, để đưa ra được lựa chọn đúng đắn, các con phải trả lời câu hỏi “5 năm, 10 năm nữa, khi đã tự lập trên đôi chân của mình, con sẽ muốn mình trở thành người đang làm công việc gì? Kiếm sống bằng kiểu lao động như thế nào?”.
Thời đại ngày nay đã có nhiều thay đổi, các bậc phụ huynh hãy tránh những “dán nhãn xấu” cho nghề nghiệp, để con có thể tự tin được chọn ngành nghề mà mình yêu thích dựa trên những thông tin khách quan.
Không có khái niệm nghề sang hay hèn, chúng ta phải nhìn nhận rằng sang hay hèn chính là cách mà người làm nghề tạo nên. Mức lương mà các bạn nhận được cũng không phụ thuộc vào tên công việc hay bằng cấp mà phụ thuộc vào thành tựu lao động mà bạn mang lại cho tổ chức.
Vậy nên, dù cho con có lựa chọn ngành nghề nào đi nữa, phụ huynh hãy đồng hành để có thể phân tích cho con những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân con, tìm hiểu thông tin và quan sát từ những người đi trước cho con biết những đặc điểm nghề đó và cho con thêm lời khuyên.
Khi con có được ngành nghề mà mình yêu thích, các bậc phụ huynh hãy cân đối các điều kiện khác để chọn môi trường học cho con dựa trên các yếu tố: sự kết hợp với nhà trường quản lý việc học các con, điều kiện kinh tế, trong khả năng học tập (giờ giấc, các môn học,...).
HOÀNG ANH