Nếu được quay trở lại quá khứ, bạn muốn "ném vào mặt" chính mình bài học gì về cách học ngoại ngữ? Nếu biết những điều này sớm hơn thì giờ chắc cũng "dân anh chị" trong làng ngôn ngữ rồi cũng nên.
---
FPT Edu NihongoEng mùa thứ 3 trở lại với chủ đề "Responsibility". Đây là cơ hội để các bạn HSSV FPT Edu giao lưu, rèn luyện kỹ năng và thể hiện tài năng trong lĩnh vực ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Nhật.
- Thời gian đăng ký: Từ ngày 13/10/2021 - 31/10/2021
- Vòng 1 - Sơ loại: 01/11/2021 - 04/11/2021
- Vòng 2 - Bán kết: 13/11/2021
- Vòng 3 - Chung kết: 29/11/2021
Đăng ký ngay tại: https://bit.ly/NihongoEng2021
Mọi thắc mắc về cuộc thi, xin vui lòng liên hệ: Mr. Trung (0969635518)
Nguyễn Huyền – Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật, FPTU Hà Nội
Nếu được quay lại quá khứ thì mình chỉ muốn nhắn với bản thân là: Học các yêu tiếng Nhật, nghiêm túc với tiếng Nhật và chăm học hơn nữa. Có lẽ, vì mải mê tìm cách yêu thứ ngôn ngữ này mà tới tận năm cuối cùng tại FPTU, Huyền mới thực sự thể hiện tài năng và là một trong ba thành viên của Himara – Quán quân bảng Tiếng Nhật NihongoEng 2020.
Dư Sang, sinh viên ngành QTKD trường, Đại học Greenwich Việt Nam
Mình sẽ học giao tiếp nhiều hơn. Học giao tiếp học giao tiếp học giao tiếp. Cái gì quan trọng nói 3 lần (cười). Tại vì ngày xưa, mình học ngoại ngữ kiểu giống như mì ăn liền. Học trên trường không á mọi người. Học để làm bài test rồi thi đại học, thành ra mình rất chắc ngữ pháp. Nhưng mình lại không thể giao tiếp được. Chính bởi vậy nên sau mình phải phải tốn khá nhiều thời gian cho việc rèn luyện khả năng giao tiếp bằng Tiếng Anh.
Lê Duy Lương – Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện, FPTU Cần Thơ
Mình sẽ nhắc bản thân học ngoại ngữ một cách có hệ thống hơn chứ không chụp giật nữa. Mình hay học bằng cách coi này coi kia, theo cách người này theo cách người nọ nên thành ra kiến thức cứ bị rối lên.
Với lại mình nghĩ mình cần phải thay đổi tư duy nữa, là mình học tiếng Anh chứ không phải học "môn tiếng Anh", Ielts hay các chứng chỉ khác. Vì nếu mình chỉ xem nó như một môn học bình thường là mình dễ dẫn đến học vì điểm số, thi xong là thôi, được nhiêu điểm đó là hài lòng, rồi không cần trau dồi tiếp nữa. Ngoại ngữ nó rộng lớn lắm, liên tục va chạm với nó mới thành thạo được, và tất nhiên là sự thành thạo một ngôn ngữ nó không thể hiện được qua bất kỳ số điểm hay chứng chỉ nào.
Nguyễn Thị Hồng Phúc - Sinh viên ngành QTKD, FPTU Hà Nội
Mình sẽ chịu khó "mở miệng ra" nói nhiều hơn. Nói không chỉ để người khác sửa sai cho mình mà còn là để mình hiểu từ đấy nữa. Có rất nhiều thứ mình đọc được, nghe được những không nói được, không viết được bởi những thứ ấy mới thụ động đi vào đầu. Nên nói là cách nhanh nhất để nhớ nó, hiểu nó dùng trong hoàn cảnh nào, lại còn rèn luyện được cả kỹ năng speaking nữa.
Nguyễn Hà Cao Kỳ - Học sinh lớp 10A5, THPT FPT Quy Nhơn
Nếu được quay về quá khứ, mình sẽ chịu khó học thật nhiều từ vựng, thay vì chỉ chú trọng ngữ pháp. Ngày đó, khi nhận biết được mình đang học lệch, mình đã quyết tâm "sửa sai" bằng cách mỗi ngày phải học thuộc ít nhất 10 từ vựng. Bên cạnh đó, khi rảnh, mình cũng xem các bộ phim hoặc chương trình nói bằng tiếng Anh và xem Vietsub để có thể hiểu và thuộc được từ vựng.
Lê Trang – Sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật, FPTU Hà Nội
Mình nghĩ là mỗi phương pháp học đều có ưu và nhược điểm riêng, không có phương pháp nào là đúng hay sai gì cả, chỉ có phù hợp hay không phù hợp với từng người thôi. Mình may mắn chưa gặp phương pháp học nào không phù hợp cả, nhưng đã từng trải qua thời gian chán học tiếng Nhật. Vấn đề này chắc nhiều bạn học Ngôn ngữ Nhật cũng sẽ trải qua, khi sự hứng thú ban đầu qua đi, bắt đầu học những cái khó hơn, khó nhớ hơn, và bản thân thì "lười" một tí. Vậy là thấy chán và không muốn học nữa.
Những lúc ấy, mình thường nhờ thầy cô cảnh tỉnh khi thấy thành tích học tập của mình sa sút. Sau đó, mình nghĩ tới lý do mà mình bắt đầu lựa chọn và học tiếng Nhật. Cái gì mình hết hứng thú, hết động lực thì lại tìm ra động lực để tiếp tục thôi. Có người vì thích văn hóa, thích xem anime nên họ lại lấy đó làm hứng thú tiếp tục học. Còn mình thích hoa anh đào, thích kimono và yukata, nhưng nó chưa đủ để tạo động lực cho mình. Nên mình tạo động lực theo cách rất "thực tế": tiếng Nhật sau này sẽ thành "công cụ lao động" của mình. Mình sẽ kiếm tiền nuôi bản thân (và gia đình) bằng nó. Thế nên bắt buộc mình phải học tốt nó. Nói như lời thầy Cường hay nói trên lớp thì nó là "cần câu cá" của mình vậy á. Cái cần của mình không tốt, không chắc chắn thì sẽ không bao giờ câu được con cá to.
Đặng Thị Thùy Mỹ - Sinh viên chuyên ngành Marketing & Sales, Trường CĐ FPT Polytechnic Tây Nguyên
Nếu được quay lại quá khứ, mình sẽ dặn dò bản thân học tập chăm chỉ hơn. Hoặc là làm quen với một người bạn nước ngoài để có thể luyện tập thường xuyên, nhanh tăng trình độ.
T.H