Ngày 11/01/2024, FPT công bố mục tiêu dài hạn của chiến lược toàn cầu hóa là “bước lên đẳng cấp cao hơn trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD”, đạt 5 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài vào năm 2030.
Từ tay trắng bước ra toàn cầu
Hơn hai thập kỷ trước, năm 1998, FPT bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa, cung cấp dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài với khát vọng: đem công nghệ, trí tuệ Việt Nam ra thế giới.
FPT đã “mò mẫm” tự tìm đường ra nước ngoài bằng các mô hình và quy trình chuẩn “công nghiệp” như ISO hay CMM, mở văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ - 1999), rồi ở Thung lũng Silicon Valley (Mỹ - 2000) nhưng sớm thất bại. Khách hàng đầu tiên FPT có được chỉ mang về doanh số theo đơn vị nghìn đô. Thậm chí khi đạt được quy mô 1 triệu USD doanh thu, công ty vẫn đứng trước lằn ranh sinh tử - có tiếp tục theo đuổi giấc mơ xuất khẩu phần mềm hay không? FPT chỉ thực sự cất cánh khi chinh phục thành công được một trong những thị trường “khó tính” nhất là Nhật Bản từ năm 2005.
Từ nhóm 17 nhân sự ban đầu, quy mô nhân sự trong lĩnh vực dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT đã cán mốc 30.000 người thuộc 70 quốc tịch. Từ Việt Nam, FPT đã vươn ra toàn cầu với sự hiện diện tại 30 quốc gia, bao gồm những thị trường phát triển nhất như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, châu Âu. Từ không khách hàng, FPT đã trở thành đối tác tin cậy của gần 100 công ty thuộc Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500). Từ triển khai dự án theo hình thức nhận giao việc, FPT đã “lột xác” đóng vai trò tư vấn triển khai các dự án chuyển đổi số dựa trên công nghệ mới nhất với quy mô hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD. Đặc biệt, từ công ty không thương hiệu, FPT đã bước vào sân chơi đẳng cấp thế giới (world class) của các doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ: “Nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số 2 thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ.”
Khẳng định đẳng cấp toàn cầu - “world-class”
“Đi trước đón đầu”, FPT tập trung nghiên cứu những công nghệ mới nhất và dịch chuyển mạnh mẽ sang những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị công nghệ. Doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số chiếm gần 50% tổng doanh thu từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài. Trong đó, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud - chiếm 40% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số, các công nghệ khác như AI, phân tích dữ liệu chiếm 12%; RPA & Lowcode chiếm 10%... Năng lực trong những mảng công nghệ mới cũng là “vũ khí” để FPT cạnh tranh với các công ty cùng ngành đến từ Ấn Độ, Trung Quốc để có được những hợp đồng, khách hàng quy mô doanh số trăm triệu USD, cũng như đóng vai trò thầu chính trong các dự án lớn.
Năm 2023, hồ sơ khách hàng của FPT lần đầu tiên có khách hàng đạt quy mô doanh số trên 200 triệu USD. Khách hàng này có trụ sở tại Mỹ, là công ty duy nhất trên thế giới cung cấp bộ giải pháp đầy đủ cho nhà phân phối ô tô như Hàng tồn kho, Tiếp thị, Bán hàng, Hậu mãi, Vận hành. Vượt qua hơn 100 nhà thầu quốc tế, FPT trở thành đối tác chính, tư vấn và cung cấp giải pháp toàn diện, từ nền tảng vận hành doanh nghiệp đến chuyển đổi số quy trình nghiệp vụ giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng tốc thời gian bán lẻ, giúp khách hàng bán hơn 5 triệu xe mỗi năm tại Mỹ và tối ưu chi phí. Theo lãnh đạo của Nhà cung cấp nền tảng bán buôn ô tô lớn nhất thế giới này, đối tác họ lựa chọn phải là một tổ chức có quy mô đủ lớn, có năng lực tập hợp được nhóm nhân sự tài năng và gắn bó lâu dài để đáp ứng nhu cầu, đồng hành thúc đẩy kinh doanh của họ. Và FPT đáp ứng những mong muốn này.
Tại Malaysia, FPT đã vượt qua hàng chục đối thủ mạnh như Accenture, IBM, Tech Mahidra… trở thành Top 3 Nhà thầu chính thực hiện các dự án chuyển đổi số, nhà cung cấp dịch vụ duy nhất trên nền tảng Microsoft cho Tập đoàn dầu khí hàng đầu hàng đầu Malaysia trong suốt hơn 15 năm qua. Tập đoàn thuộc Top các doanh nghiệp lớn nhất thế giới này đánh giá FPT là Excellent Delivery Vendor. Bộ trưởng Truyền thông và Kinh tế số Malaysia đánh giá FPT là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số cho tập đoàn này nói riêng và Malaysia nói chung.
25 năm còn là hành trình dịch chuyển từ vị thế “làm ứng dụng nhỏ” sang “thực hiện dịch vụ lõi” của hệ thống CNTT khách hàng. Không phải ngẫu nhiên, năm 2023, FPT lọt vào danh sách Đối tác dịch vụ chiến lược cấp khu vực (RSSP) của SAP tại châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản. Trong khu vực Đông Nam Á chỉ có 3 công ty có tên trong danh sách này và FPT là đại diện duy nhất tại Việt Nam. Để tham gia chương trình này, các đối tác cấp khu vực phải đáp ứng hoặc vượt các tiêu chí từ SAP về phạm vi hoạt động, năng lực và thống nhất chung về chiến lược phát triển bền vững.
Hiện tại, FPT sở hữu 1.300 chuyên gia tư vấn với hơn 900 chứng chỉ quốc tế được công nhận bởi SAP và là đối tác tư vấn, triển khai ERP tin cậy của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Đơn cử tại thị trường Nhật Bản, FPT là đối tác chiến lược triển khai hệ thống mới SAP Public Cloud trên phạm vi 15 quốc gia cho một công ty công nghệ cao hàng đầu Nhật Bản, chiếm 70% thị phần thế giới của hệ thống SEM đo lường khoảng cách (CD-SEMs). Dự án này cũng đã gây tiếng vang trong hiệp hội doanh nghiệp sử dụng SAP (JSUG) ở Nhật Bản, cũng là dự án triển khai toàn cầu thành công nhất trong lịch sử của SAP cho khách hàng Nhật Bản. Tại Hàn Quốc, trong vai trò từ tư vấn kỹ thuật, kiến trúc của hệ thống, đến triển khai công nghệ, FPT đang triển khai SAP cho một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, thuộc Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới và đứng hàng đầu trên thị trường đồ điện tử gia dụng toàn cầu.
Sau hơn 2 thập kỷ tích lũy kinh nghiệm trên thị trường toàn cầu, FPT đã xây dựng được năng lực chuyên sâu trong các lĩnh vực chuyên ngành có tiềm năng phát triển rộng mở trong tương lai, đồng thời gia tăng số lượng các hợp đồng quy mô lớn.
9 tháng đầu năm 2023, doanh thu tiềm năng đến từ các hợp đồng lớn trên 5 triệu USD tăng 66%, cho thấy xu hướng chuyển dịch trên chuỗi giá trị của FPT hướng tới các hợp đồng hàng chục, hàng trăm triệu USD thay vì các đơn hàng vài triệu USD như trước đây. Trong những lĩnh vực tiềm năng như năng lượng, dầu khí, công nghệ ô tô (Automotive), công ty cũng đã có những hợp đồng trăm triệu USD với những công ty hàng đầu trong các lĩnh vực này. Hiện công ty cũng đã xây dựng được năng lực chuyên ngành trong các lĩnh vực như Automotive, hàng không, tài chính ngân hàng, y tế.
Với lợi thế kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành công nghệ phần mềm ô tô, FPT đã xây dựng được năng lực dày dặn trong ngành này với đội ngũ hơn 4.000 kỹ sư và chuyên gia, mạng lưới hơn 150 khách hàng là các hãng tên tuổi trên thế giới như Honda, Hyundai, Volvo, VinFast, Ford, Yazaki, LG, Panasonic, NXP... FPT cũng được định vị trong nhóm đối thủ chính (Major Contenders) cùng với nhiều tên tuổi lớn như Infosys, Tata Technologies, Cognizant, NTT DATA… theo công bố gần đây của Everest Group về ACES (Automated, Connected, Electric, and Share Vehicles) đối với 26 nhà cung cấp phần mềm ô tô trên toàn cầu. Cuối tháng 12/2023, công ty FPT Automotive chính thức được khai trương tại Mỹ nhằm chinh phục thị trường phần mềm ô tô quy mô hàng trăm tỷ đô la. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 40% trong những năm gần đây, lĩnh vực đã đóng góp quan trọng vào việc cán mốc 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT trong năm 2023.
Trong lĩnh vực hàng không, FPT từng không dám mơ có ngày đứng trong top các nhà cung cấp dịch vụ CNTT cho các hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới. Trong quá khứ, Tập đoàn đã mất 5 năm để thuyết phục một công ty sản xuất máy bay hàng đầu thế giới đồng ý hợp tác triển khai dự án chuyển đổi số cho họ. Và hiện nay, cả hai tập đoàn đứng đầu thế giới trong lĩnh vực này đều có tên trong danh sách khách hàng của FPT. Mỗi chuyến bay trên bất kì hãng máy bay nào đều có dòng code của FPT.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT cho biết: “FPT có những con số, giấc mơ đầy hoài bão, mọi người không tin nhưng chúng tôi đều chinh phục được. Con số 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ CNTT từ thị trường nước ngoài là một trong số đó. Với tiềm năng thị trường và những gì chúng tôi đã làm được, FPT đang hướng đến ước mơ có một triệu nhân sự chuyển đổi số. Và chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn là AI, Chip bán dẫn, công nghệ ô tô … để hướng tới có những tỷ USD tiếp theo trong một ngành, một thị trường, một hợp đồng duy nhất”.
Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software chia sẻ: “Công ty đẳng cấp thế giới được tạo nên từ những con người đẳng cấp. Trong nhiều năm qua, FPT Software luôn xây dựng đội ngũ của mình trên một số nguyên tắc: đầu tiên là hợp lực sức mạnh để cùng giải những bài toán lớn, kết hợp sức mạnh của đội ngũ công ty và khách hàng, đối tác trên tinh thần One Team. Bên cạnh đó, chúng tôi nâng cao tinh thần học hỏi, mỗi năm một người FPT Software có thêm một chứng chỉ mới cấp quốc tế, để giúp tiến sâu hơn với khách hàng. Và cuối cùng là chúng tôi luôn đầu tư để tạo ra môi trường làm việc hạnh phúc, tạo điều kiện để nhân viên phát triển bản thân, tổ chức nhiều sự kiện, đưa ra nhiều chính sách chăm sóc nhân viên, gia đình & người thân tạo sự gắn kết và phát triển bền vững cho công ty”.
Ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc FPT Software chia sẻ: “Trên hành trình trở thành công ty đẳng cấp thế giới, FPT Software đã sẵn sàng để đồng hành cùng khách hàng và đối tác của mình trong những “trận đánh lớn” quy mô hàng trăm triệu USD trên toàn cầu. Chúng tôi tiếp tục phát triển các chuyên gia công nghệ chất lượng cao và đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực phức tạp, có tiềm năng tăng trưởng cao như phần mềm ô tô, chăm sóc sức khỏe, tài chính ngân hàng, năng lượng… Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ tích hợp AI vào trong tất cả các dịch vụ và giải pháp của mình để nâng cao năng suất lao động, tăng khả năng linh hoạt, chất lượng và rút ngắn thời gian đáp ứng cho khách hàng trên thế giới.”
Dấu mốc nổi bật trên Hành trình gia nhập nhóm doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD toàn cầu của FPT
- Thu hút tài năng trên quy mô toàn cầu đảm bảo nguồn lực tốt nhất cả về số lượng và chất lượng sẵn sàng cho các dự án quy mô hàng trăm triệu USD. Quy mô nhân sự trong lĩnh vực Dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT tăng hơn 1.700 lần trong hơn hai thập kỷ.
- 1998: bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa với 17 nhân sự
- 12/2016: cán mốc 10.000 nhân sự
- 9/2021: cán mốc 20.000 nhân sự
- 1/2024: cán mốc 30.000 nhân sự thuộc hơn 70 quốc tịch làm việc tại 30 quốc gia trên toàn cầu
- Mở rộng và nâng tầm hợp tác với nhiều đối tác tên tuổi nhất thế giới như SAP, Microsoft, AWS, Salesforce, Adobe, gia nhập Liên minh AI do IBM và Meta khởi xướng..., tạo lợi thế cạnh tranh khác biệt để công ty tham gia các dự án chuyển đổi số quy mô lớn; cạnh tranh sòng phẳng với những đối thủ sừng sỏ đến từ Ấn Độ, châu Âu, Mỹ, đem về những hợp đồng quy mô hàng chục, hàng trăm triệu USD trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ ô tô, dầu khí.
- Bước vào sân chơi của các doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD trên toàn cầu với cột mốc lần đầu tiên đạt doanh thu 1 tỷ USD doanh thu Dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài.
- 2002: 1 triệu USD doanh thu đầu tiên.
- 2006: 10 triệu USD doanh thu đầu tiên.
- 2013: 100 triệu USD doanh thu đầu tiên.
- 2021: 500 triệu USD doanh thu đầu tiên.
- 2023: 1 tỷ USD đầu tiên, bước vào sân chơi đẳng cấp thế giới - sân chơi của các doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD trên toàn cầu.
- 2030: mục tiêu 5 tỷ USD - Nâng cao vị thế trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ USD trên toàn cầu.
Vị thế nổi bật của Công ty trên toàn cầu
- Top 300 công ty hàng đầu châu Á (Nikkei Asia).
- Top 8 nhà cung cấp dịch vụ IoT khu vực châu Á Thái Bình Dương.
- Top 40 công ty dịch vụ công nghệ lớn tại Singapore.
- Top 70 Best Large Workplaces in Asia, sánh vai cùng các ông lớn trên thế giới như Accenture, HP, Cisco…do Great Place to Work đánh giá.
- TOP 100 nơi làm việc tốt nhất tại Nhật Bản, Singapore, Mỹ.
Thông tin báo chí chi tiết xin liên hệ
Ms. Phạm Thị Vân Anh
Ban Marketing và Truyền thông FPT
Email: [email protected]
Mobile: 098 876 4570