VTV.vn - Việc học song song 2 chương trình là nặng so với lứa tuổi. Ngoài ra, trường nghề đang mất đi sự chủ động so với trước đây khi việc dạy văn hóa do một đơn vị khác quản lý.
Dạy văn hóa trong trường nghề: Dạy một nơi, quản lý một nẻo
Từ năm 2021, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chính thức không được trực tiếp thực hiện hoạt động giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT cho hệ 9+. Hoạt động này sẽ phải chuyển về các Trung tâm Giáo dục thường xuyên quản lý.
Quy định mới được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra nhanh chóng được các đơn vị triển khai thực hiện, tuy nhiên, lại xuất hiện không ít bất cập. Thực tế, tại nhiều trường nghề, việc dạy văn hóa vẫn do nhà trường đảm nhiệm, việc quản lý của Trung tâm giáo dục thường xuyên mặc dù có nhưng chỉ là trên danh nghĩa.
Tiết Hóa học của học sinh hệ 9+ Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp vẫn được dạy tại khoa cơ bản của trường. Vẫn thời khóa biểu 7 môn theo chương trình giáo dục thường xuyên, vẫn đội ngũ 40 thầy cô giáo của trường nhưng điểm khác duy nhất là việc quản lý hoạt động này giờ thuộc Trung tâm giáo dục thường xuyên.
Chất lượng đào tạo không đổi, việc phải thông qua thêm một đơn vị khác thay vì chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Giáo dục và Đào tạo như trước, gây ra sự chồng chéo, mất thời gian trong quản lý.
Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp đang đào tạo khoảng 1.500 học sinh hệ 9+. Con số này cao hơn gấp nhiều lần so với số lượng học sinh 1 Trung tâm giáo dục thường xuyên trực tiếp giảng dạy và quản lý.
Có thể thấy, việc liên kết với một trung tâm giáo dục thường xuyên để đào tạo văn hóa chỉ là hình thức hợp thức hóa theo quy định hiện hành. Theo đại diện một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, điều này đang gây lãng phí trong quá trình hoạt động.
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 300.000 học sinh THPT vừa học văn hóa, vừa học nghề. Về vấn đề dạy chương trình GDTX bậc THPT, các trường cũng mong muốn Bộ Giáo dục và đào tạo có thể ban hành thông tư hướng dẫn rõ ràng các tiêu chí đánh giá cho phép cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động giảng dạy.
Việc xảy ra tình trạng dạy văn hóa trong trường nghề: Dạy một nơi - quản lý một nẻo, là do các trường đang giảng dạy Chương trình Giáo dục thường xuyên bậc THPT.
Quy định dạy văn hóa trong trường nghề
Chương trình văn hóa mà các trường nghề không được tổ chức giảng dạy là Chương trình Giáo dục thường xuyên bậc THPT với 7 môn học bắt buộc. Còn trước kia, theo quy định, các trường nghề hay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn được quyền dạy chương trình văn hóa - nhưng là chương trình THPT với 4 môn bắt buộc.
Tuy nhiên, hiện nay, với mô hình 9+, học sinh có thể lựa chọn 1 trong 2 phương án:
- Học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) 7 môn học, sau khi hoàn thành, sẽ được quyền dự thi, nếu đạt sẽ được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Điều này sẽ tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục học lên trình độ cao đẳng, đại học, thạc sỹ, thậm chí là tiến sĩ - thuộc hệ thống giáo dục đại học, do Bộ Giáo dục và đào tạo quản lý.
- Học chương trình văn hóa THPT 4 môn, sau khi hoàn thành sẽ được nhận Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT và sử dụng để theo học trình độ cao hơn trong Hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đồng thời sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.
Trường nghề khó tuyển sinh nếu không dạy chương trình THPT 7 môn
Có thể thấy, nếu học chương trình 4 môn văn hóa thì vẫn chưa rõ ràng các điều kiện để học sinh có thể học tiếp lên các bậc cao hơn thuộc hệ thống giáo dục đai học. Bởi vậy, thực tế, phần lớn học sinh và phụ huynh khi lựa chọn mô hình 9+ vẫn luôn kỳ vọng việc học song song hai chương trình trung cấp nghề và THPT để có 2 bằng. Điều này phát sinh nhu cầu học chương trình GDTX bậc THPT, tạo áp lực lên các trường nghề xây dựng chương trình học để phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh.
Khi lựa chọn chương trình 9+, gần 100% phụ huynh mong muốn các em được học song song hai chương trình học nghề và học chương trình GDTX bậc THPT để có 2 bằng sau khi ra trường. Đây là thống kê qua nhiều năm tuyển sinh của Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội.
Nhu cầu học là vậy, nhưng sau khi kết thúc 3 năm học, theo nhà trường, chỉ có 5 - 6% học sinh đăng ký thi đại học. Còn lại phần lớn quyết định đi làm. Trong khi, việc học chương trình 7 môn được xem là không quá cần thiết với các em học chương trình 9+.
Dù biết là chương trình GDTX bậc THPT không thực sự quá cần thiết với học sinh 9+, tuy nhiên, vì nhu cầu lớn của người học cũng như chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, các trường buộc phải lên kế hoạch giảng dạy song song hai chương trình.
Kiến thức THPT phải phù hợp với hoạt động đào tạo nghề
Có thể thấy, việc học song song hai chương trình trung cấp và THPT để có hai bằng sẽ khó đạt được mục tiêu gốc là đào tạo kỹ năng nghề cho các em. Theo các chuyên gia, cần hạn chế dần việc học song song này. Để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của mỗi học viên, thay vì chương trình 7 môn, khối lượng kiến thức văn hóa giảng dạy trong trường nghề cần sớm được làm rõ về khối lượng, thời lượng học tập tích hợp với hoạt động đào tạo kỹ năng nghề để khi hoàn thành, học sinh sẽ có bằng trung cấp, được công nhận tương tương trình độ THPT.
Khuyến khích phát triển trung học nghề, chấp nhận sự tương đương giữa 2 bằng THPT và Trung học nghề là kiến nghị mới đây nhất được Hiệp hội các trường cao đẳng đại học đưa ra để thực hiện sự phân luồng triệt để học sinh.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: "Các nước vẫn phân luồng 2 hướng học sau THCS gồm học THPT và học trung học nghề. Thời gian đào tạo đều là 3 năm, trong đó, 50% nội dung chủ yếu là thiết yếu cơ bản, 50% là học nghề. Học sinh tốt nghiệp có bằng trung cấp nghề có thể làm việc ngay hoặc học lên bậc cao hơn. Thông thường là học sinh tốt nghiệp THPT sẽ học lên các trường học thuật; học trung học nghề thì học lên các trường đại học theo hướng ứng dụng".
Cũng theo các chuyên gia, dạy văn hóa trong trường nghề cần có sự khác biệt, không dừng lại ở dạy lý thuyết thuần túy. Bởi các môn cần có tính ứng dụng, gắn với kỹ năng nghề. Đây cũng là thực tế một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang thực hiện để khuyến khích, tạo động lực cho người học, giúp các em tập trung vào kiến thức và kỹ năng nghề để sau dễ dàng tìm kiếm việc làm".
TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh, để bằng trung cấp nghề có thể tương đương trình độ THPT cần phải làm rõ thời gian đào tạo. Điều này đảm bảo chất lượng của học viên cũng như sự công bằng đối với học sinh theo học chương trình giáo dục THPT. Ví như học hệ trung cấp 9+1, 9+2 thì không được học liên thông nhưng hệ 9+3 thì được học tiếp đại học. Nhu cầu của người học cần bằng THPT và học đại học là nhu cầu chính đáng nên quỹ thời gian cũng cần phù hợp thì làm cho đúng.
Có thể thấy, chương trình 9+ đang thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS. Tuy nhiên, để tránh sự chồng chéo trong vấn đề quản lý, học sinh mất công mất sức với các chương trình văn hóa chưa thực sự phù hợp, rất cần sự chuẩn hóa khối lượng kiến thức THPT cho học sinh theo học hệ thống giáo dục nghề nghiệp, giúp học sinh sớm đủ điều kiện tham gia thị trường lao động hoặc học tiếp lên các trình độ cao hơn.
Theo VTV.VN