Công tác tại Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic TP. Hồ Chí Minh, giảng viên Nguyễn Thị Diệu Anh – Trưởng bộ môn Kỹ năng luôn tâm niệm trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để học tập và cao hơn là giúp các bạn dễ dàng thích ứng, hòa nhập với xã hội luôn thay đổi từng ngày.
Sinh viên muốn “học nhanh – làm sớm” cần chú trọng phát triển kỹ năng
Kỹ năng là một bộ môn trang bị cho học sinh – sinh viên các nhóm công cụ cần thiết cho việc học tập và phát triển bản thân. Nhưng sau một thời gian giảng dạy tại các trường THPT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cô Nguyễn Thị Diệu Anh nhận thấy môn học này chưa nhận được sự quan tâm đúng mực của nhà trường. Đầu năm 2020, cô quyết định “đầu quân” về Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic TP Hồ Chí Minh.
Theo cô Diệu Anh, ngoài việc nắm vững các kiến thức chuyên môn thì sinh viên cần phải được đào tạo và rèn luyện kỹ năng mềm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Kỹ năng mềm được hiểu là tất cả các kỹ năng giúp con người tư duy và tương tác với nhau trong công việc, chủ yếu là những kỹ năng thuộc về tính cách con người, không mang tính chuyên môn, bao gồm: kỹ năng giao tiếp; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng quản lý quỹ thời gian; kỹ năng lãnh đạo; kỹ năng học và tự học; kỹ năng đàm phán… Vì vậy, nó đóng vai trò đặc biệt quan trọng với sinh viên Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic, nhất là khi định hướng của nhà trường là “học nhanh – làm sớm”.
Việc đưa bộ môn Kỹ năng mềm vào chương trình giảng dạy sẽ giúp cho sinh viên có được phương pháp học tập và làm việc khoa học, đạt hiệu quả cao cũng như dễ dàng thích ứng, hòa nhập trong nhiều môi trường khác nhau.
“Nếu như kỹ năng cứng được coi là điều kiện cần thì kỹ năng mềm chính là điều kiện đủ. Kỹ năng cứng giúp sinh viên bước qua một cánh cửa còn kỹ năng mềm mở ra nhiều cánh cửa khác. Kỹ năng mềm giúp phát huy các kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ để chạm tới thành công. Thực tế thì các nhà tuyển dụng hiện nay đã yêu cầu và ưu tiên ứng viên có các kỹ năng mềm cần thiết. Tùy từng môi trường và vị trí, kỹ năng mềm nào sẽ được đặt lên vị trí cao hơn”, cô Diệu Anh phân tích.
Không còn khoảng cách thầy và trò trong những giờ học trực tuyến
Cô Diệu Anh đánh giá nếu có đủ điều kiện để dạy và học trực tiếp tại trường sẽ làm tăng tính hiệu quả, khả năng thực hành của sinh viên trong môn học này. Nhưng trong bối cảnh học trực tuyến, các thầy cô trong tổ bộ môn Kỹ năng mềm cũng đã chủ động tìm kiếm và ứng dụng những công cụ giảng dạy, phương pháp cụ thể để tăng tính gắng kết, trải nghiệm cho sinh viên.
“Đặc thù của môn học là tính tương tác nên mình thường khuyến khích sinh viên bật camera để xoá bỏ khoảng cách. Đồng thời, xuyên suốt giờ học cũng diễn ra nhiều hoạt động như chia nhóm nhỏ để thảo luận; sử dụng ứng dụng Kahoot, Quizizz… để tạo mini game. Sinh viên dễ dàng tương tác và trải nghiệm trực tiếp với giáo viên thông qua các ứng dụng Jamboard, Padlet…”, cô Diệu Anh cho biết.
Các phương pháp, công cụ khi được đưa vào để hỗ trợ giảng dạy đã tăng cường khả năng tương tác của sinh viên trong giờ học cũng như lượng giá được mức độ hiểu và tiếp thu được bài, đem đến những hiệu quả nhất định trong công tác giảng dạy. Mặc dù việc học online tồn đọng một số khó khăn khách quan và chủ quan nhưng chị Diệu Anh đánh giá những nỗ lực của các giảng viên đã góp phần tích cực trong việc thay đổi nhịp điệu giờ học và thái độ học tập của học sinh.
Kể về mùa học online vừa qua, cô Diệu Anh cảm thấy đáng nhớ nhất là việc yêu cầu các bạn sinh viên bật camera khi học tập. Nhiều sinh viên rất tích cực nhưng cũng có một nhóm nhỏ các bạn đưa ra những lý do khác nhau để từ chối.
“Có một bạn sinh viên K17 luôn từ chối bật camera để tăng tương giác giữa cô và trò. Trải qua 2 tuần học, áp dụng nhiều cách thức nhưng bạn vẫn không bật và không phản hồi lý do. Lúc này, mình quyết định gặp riêng để trao đổi và hỗ trợ những khó khăn mà bạn đang gặp phải. Khi chỉ còn hai cô trò với nhau, bạn mới chia sẻ lý do là vì “không gian học tập phía sau không được đẹp và hơi bừa bộn nhưng lại không biết giải thích sao cho cô hiểu”.
Nghe câu trả lời này, mình cũng hiểu được phần nào lý do cũng như sự ngại ngùng của bạn nếu phải bật camera. Sau đó, mình hướng dẫn bạn cách sử dụng background trên Google Meet để có thể che phông phía sau. Kết quả là tuần tiếp theo bạn đã bật camera và học tập rất tích cực”, cô Diệu Anh tâm sự.
Mỗi lần trò chuyện với sinh viên là một lần cô Diệu Anh bồi đắp kinh nghiệm cho công việc của mình. Sinh viên ở độ tuổi 15 – 18 có nhiều rào cản về tâm lý, có những sự ngại ngùng về cơ thể, không gian học tập… nên các bạn không chủ động để tương tác. Lúc này, vai trò của người giáo viên là chịu khó đi tìm nút thắt, cùng sinh viên tháo gỡ khúc mắc.
Bằng sự tận tâm của mình, khoảng cách giữa cô và trò dần được xóa nhòa trong những giờ học Kỹ năng mềm trực tuyến do cô Diệu Anh đứng lớp. Khi cô hiểu trò hơn, giờ học sẽ diễn ra hiệu quả. Khi trò cảm thấy được chia sẻ, các bạn sẽ tích cực tham gia vào hoạt động học tập và quá trình tiếp thu kiến thức trở nên hiệu quả hơn. Đó có lẽ cũng là cách mà nhiều giảng viên tại Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic đang theo đuổi để giúp sinh viên học trực tuyến vừa vui vừa nhiều trải nghiệm hiệu quả.
Trường học trải nghiệm FPT Edu mang đến hệ thống trải nghiệm đa dạng, phong phú và hữu ích, giúp người học có đời sinh viên giàu trải nghiệm, chủ động trang bị năng lực sống để linh hoạt thích ứng với các môi trường sống và làm việc sau tốt nghiệp.Bên cạnh việc truyền đạt nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, hệ thống trải nghiệm tại FPT Edu được xây dựng để giúp người học nhận ra thiên hướng của bản thân, có khả năng tự định nghĩa thành công, tự tin theo đuổi con đường của mình.Với niềm tin càng giàu trải nghiệm càng thành công, Trường học trải nghiệm FPT Edu đồng hành cùng người học trên con đường tự kiến tạo tương lai của chính mình. |
Huệ Anh
Tổ chức Giáo dục FPT – fpt.edu.vn