Mặc dù hình thức dạy và học online đã không còn xa lạ nhưng đến nay vẫn tồn tại nhiều tranh cãi về hình thức học này. Trong bài dưới đây cô Phùng Kim Anh - GVCN tại Phổ thông Cao đẳng FPT Hà Nội sẽ bày tỏ một vài quan điểm cá nhân.
Cô Phùng Kim Anh bước lên bục giảng từ năm 2011 tính đến nay đã hơn 10 năm tuổi nghề. Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình với truyền thống nhiều người là giáo viên. Cô giáo chia sẻ: “Tự ý thức được nghề nào cũng đáng quý, xã hội phân công mỗi người một việc. Nhưng nghề giáo thời nào cũng được tôn vinh, vì đó là nghề giáo dục và đào tạo con người thành người có tri thức, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp”. Vì thế cô đã ấp ủ ước mơ theo nghiệp nhà giáo từ lâu.
Cô chia sẻ rằng trước đây và cho tới bây giờ cô vẫn thường giảng dạy cho đối tượng trên 18 tuổi, thậm chí là những người vừa đi làm vừa đi học để củng cố, trau dồi kỹ năng, kiến thức… Và đó là môi trường mà cô hay nói vui là “người già”. Được biết FPT là môi trường trẻ hóa, đội ngũ cán bộ giảng viên là những người trẻ, năng động, hoạt bát… đây chính là động lực để thay đổi, làm mới bản thân và cô quyết định gia nhập FE.
“Là một GVCN khó khăn lớn nhất đối với công việc của cô có lẽ là việc thường xuyên thay đổi cảm xúc, cũng tốn khá nhiều quỹ thời gian của bản thân. Nhiều sinh viên có tính cách, hoàn cảnh đặc biệt khác nhau và giáo viên cần sự nhẫn nại, đồng cảm, chia sẻ. Đôi khi còn biến mình thành một người bạn để có thể hiểu những suy nghĩ của hàng trăm sinh viên…” - cô Kim Anh chia sẻ.
Chia sẻ về quan điểm đối với 2 hình thức học tập offline - online và khó khăn với người giảng viên là gì? Cô Kim Anh bộc bạch: “Thực tế, cả hai phương pháp học online hay offline đều có những lợi ích cho sinh viên và giảng viên. Về học offline - cũng là phương pháp dạy và học truyền thống đã được nhắc đến nhiều, nên cô xin phép tập trung đề cập đến học online - Vấn đề không chỉ sinh viên mà phụ huynh, xã hội quan tâm, đặt nhiều câu hỏi hay có những nghi ngờ về chất lượng đào tạo online.
Đặt vào hoàn cảnh hiện nay, khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, không chỉ Tổ chức giáo dục FPT mà tất cả các trường học, nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội đều đã học tập và làm việc online. Có thể thấy khi học tập online thì việc đầu tiên đó là bảo đảm được sự an toàn tối đa trong mùa dịch, giảng viên và sinh viên không phải đi lại, hạn chế sự tiếp xúc, giảm nguy cơ lây nhiễm COVID. Về mặt chuyên môn, giảng viên có cơ hội đầu tư về bài giảng, có thể sử dụng hình ảnh, âm thanh và video để truyền đạt nội dung học tập đến người học thêm hấp dẫn và sinh động hơn… Quản lý sinh viên về mặt thời gian cũng chính xác hơn tăng thêm tính kỷ luật cho các bạn ấy. Còn sinh viên thì có thể xem đi xem lại bài giảng để củng cố kiến thức…
Và có lẽ chính vì điều này nên từ khi bước chân vào FE cũng là giai đoạn dịch cao trào trở lại nên sinh viên phải học online thường xuyên nhưng không vì thế mà kết quả học tập của các em giảm sút, số lượng sinh viên được khen thưởng ngày càng tăng, thành tích học tập cũng không ngừng được nâng cao. Ví dụ như học kỳ FALL 2021 vừa kết thúc, bạn nào dưới 8,22 sẽ không nằm trong TOP 100. Như vậy có thể khẳng định học online là một thách thức, song cũng là một cơ hội để cho giảng viên và sinh viên phát triển khả năng thích ứng, tập trung hơn vào bài giảng.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất với học online có lẽ là về mặt cơ sở vật chất, về đường truyền internet. Để khắc phục vấn đề này thì thầy, trò FPT đã đầu tư về trang thiết bị cũng như nâng cấp các gói cước internet để phục vụ việc dạy được tốt nhất có thể. Nói tóm lại, dù là đối với bất kì phương pháp nào cũng sẽ luôn tồn tại cả 2 mặt: Ưu điểm và nhược điểm. Chúng ta cần phải có cái nhìn đa chiều để đánh giá đầy đủ, chính xác về một vấn đề làm sao phát huy được ưu điểm và hạn chế, khắc phục tối đa nhược điểm, và kết quả cuối cùng chính là thành tích học tập của sinh viên.”
Hiệu quả và sự tương tác khi dạy trực tuyến chính là yếu tố nhận được sự quan tâm nhiều nhất. Nếu như ở lớp học trực tiếp, cô và trò có thể tương tác với rất nhiều hình thức khác nhau như: ngôn ngữ hình thể, thảo luận nhóm... Thì đối với dạy học online, những cách tương tác này sẽ khó để thực hiện. Chính vì vậy giảng viên sẽ cần thay đổi cách thức, cấu trúc lại chương trình bài giảng. PTCĐ FPT là một trong những ngôi trường đi đầu về công nghệ nên việc giảng viên thay đổi hình thức giảng dạy là điều không khó.
Với quá trình trang bị kiến thức: GV hệ thống các yêu cầu cần đạt và đưa trước bộ câu hỏi kiểm tra kiến thức (ở mức độ nhận biết, thông hiểu) dựa vào đó sinh viên có định hướng trong việc tự tìm hiểu kiến thức. Sinh viên tự tiếp cận bài giảng như tự học qua sách giáo khoa, tự tìm tài liệu liên quan để nắm kiến thức, trả lời bộ câu hỏi. Đối với bài giảng: GV soạn slides hoặc video thu sẵn trang bị kiến thức căn bản một cách tuần tự. Buổi học trực tuyến có thể tập trung hỏi đáp và minh họa các phương pháp, ví dụ điển hình dựa trên kiến thức mà sinh viên đã tự tìm hiểu trước đó. Trong buổi học này, giảng viên giải đáp, minh họa, phân tích các ví dụ hay thí nghiệm, mô phỏng giúp sinh viên đào sâu, hiểu thêm kiến thức… Nhìn chung nền tảng học tập online sẽ cung cấp một loạt các tính năng như chia nhóm, chia sẻ màn hình và quản lý tài liệu học tập, cũng như hỗ trợ giao tiếp. Điều quan trọng là giảng viên phải hiểu rõ những ưu điểm và hạn chế của nền tảng để lập kế hoạch bài giảng một cách hiệu quả.
Hơn 2 năm là một khoảng thời gian không phải quá dài, nhưng thực sự cô Kim Anh đã thấy được những thay đổi đáng kể từ các trò yêu của mình. Đầu tiên phải kể đến đó là thành tích học tập. Ban đầu các bạn chưa xác định được mục tiêu học tập, chưa xác định được cái đích cuối cùng nên việc học lại từ những kỳ đầu khá nhiều. Tuy nhiên sau khi có sự dẫn dắt từ phía thầy, cô, sự động viên quan tâm của gia đình các bạn ấy đã vượt qua được giai đoạn khủng hoảng tâm lý, đã có mục tiêu rõ ràng hơn, biết phấn đấu học tập. Và quan trọng hơn đó là các bạn trưởng thành hơn rất nhiều trong tư duy và hành động. Các bạn có những suy nghĩ hoài bão tốt đẹp.
Cô Kim Anh tâm sự về kỷ niệm đáng nhớ với lớp chủ nhiệm: “Trải qua gần 3 học kỳ với sinh viên khóa 15 của Phổ thông Cao đẳng FPT Hà Nội, cũng có khá nhiều kỷ niệm vui, buồn nhưng có lẽ kỷ niệm đáng nhớ nhất chính là quãng thời gian cô nằm viện, lúc đó có rất nhiều sự kiện diễn ra. Cô khá lo lắng về việc không có GVCN nhắc nhở thì liệu các bạn có chủ động cập nhật thông tin và tham gia đầy đủ không? Khác hoàn toàn với suy nghĩ của bản thân thì các bạn cán sự lớp chủ động nhắn tin: Cô cứ nghỉ ngơi chóng khỏe, mọi việc chúng em làm được ạ. Cảm giác lúc đó sinh viên của mình không phải là những cô, cậu học trò chỉ biết trốn học đi chơi mà là những thanh niên thực sự, biết quan tâm đến mọi người xung quanh, biết chủ động trong công việc.”
Đúng như định hướng của PTCĐ FPT, cô thể hiện sự kỳ vọng của bản thân với các trò yêu của mình rằng các bạn sinh viên có thể “Học nhanh, làm sớm” trở thành lao động trẻ toàn cầu; trở thành những con người biết sống đủ sâu cho tất cả những gì các bạn cảm nhận và trải nghiệm; biết nâng niu và trân trọng cảm xúc của người khác và của chính mình.
Cô Kim Anh cũng chia sẻ thêm: “Tốt nghiệp Đại học từ ngôi trường “chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước” và hoàn thành luận văn Thạc sĩ tại Học viện Quản lý giáo dục, có lẽ cô xác định dành tất cả tâm huyết, kiến thức được đào tạo cho sự nghiệp giáo dục. Ngoài ra cô cũng cộng tác biên tập và viết bài cho một số Tạp chí khoa học, biên soạn sách…”
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của cô Phùng Kim Anh. Chúc cô sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời tại Làng giáo áo cam!