Báo Quân đội Nhân dân|Cơ hội cho những thí sinh trượt kỳ thi vào lớp 10

11:45 26/06/2024

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) luôn được xem là một trong những kỳ thi áp lực nhất trong hệ thống giáo dục của Việt Nam.

Mỗi năm, hàng trăm nghìn học sinh nhiều nơi trên cả nước phải đối mặt với một thử thách không chỉ về kiến thức mà còn về tâm lý. Cánh cửa nào cho những em trượt kỳ thi khi con đường học nghề vẫn không nhiều nơi đáp ứng được chất lượng và kỳ vọng.

Sống trong lo lắng

Đến hẹn lại lên, mỗi khi thành phố chuẩn bị công bố mức điểm thi, điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập cũng là thời điểm các bậc phụ huynh cùng học sinh vô cùng hồi hộp, lo lắng. Khi các trường đại học có nhiều con đường để học sinh lựa chọn, thì việc giành được một suất vào lớp 10 lại phụ thuộc hoàn toàn vào kỳ thi duy nhất. Năm nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ khoảng 78% học sinh dự thi được vào học ở trường công lập. Trong khi đó, ở Hà Nội, tỷ lệ này chỉ đạt 61%. Ở một số khu vực đông dân, tỷ lệ này giảm xuống dưới 60%.

Nỗi ám ảnh về điểm số, kỳ vọng của gia đình và lo lắng về tương lai sau này khiến nhiều em học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí sốc tâm lý sau khi thi mà kết quả bài làm không như mong đợi. Còn phụ huynh như “ngồi trên đống lửa”, tìm mọi “cửa” để lo chỗ học cho con trong trường hợp lỡ sơ sẩy. Trên các diễn đàn, hội nhóm, tâm trạng chờ điểm thi liên tục được chia sẻ mọi lúc, mọi nơi, không kể đêm ngày. “Có mẹ nào mất ngủ triền miên như mình từ ngày con thi và nhất là lúc chờ điểm thi của các con không? Thương các con tuổi 15 đã phải đối mặt với kỳ thi quá khốc liệt” là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh. Với học sinh, các em liên tục vào các diễn đàn liên quan đến kỳ thi để dự tính điểm thi của mình, điểm chuẩn trường mình đăng ký nguyện vọng. Đi cùng mỗi hướng tính toán luôn là những bất an, nhấp nhổm...

Cơ hội cho những thí sinh trượt kỳ thi vào lớp 10
Thí sinh dự Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2024 tại điểm thi Trường THCS Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: THU HÀ 

Từng cùng con trải qua kỳ thi tuyển vào lớp 10, chị Nguyễn Thị Phương Thảo (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) hiểu áp lực con phải trải qua. “Sau khi con rời trường thi, tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực, nhìn nét mặt con để trò chuyện. Trước đó, tôi đã dặn dò mọi người trong gia đình không được hỏi han hay bàn luận về bài thi hoặc đề thi sau mỗi môn để con có thể yên tâm và tập trung cho các môn tiếp theo”.

Giải tỏa áp lực

Mỗi năm, tính chung cả nước có đến hàng trăm nghìn học sinh trượt kỳ thi vào lớp 10. Điều này có nhiều nguyên nhân, bên cạnh chính sách phân luồng sau THCS thì thực tế là thiếu trường THPT công lập, nhất là tại các thành phố lớn. Không ít học sinh có học lực tốt có thể vẫn trượt, vì chỉ tiêu ít ỏi hay do thiếu may mắn khi chọn nguyện vọng.

Ông Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết: “Theo quy chuẩn đã được công bố, cứ 200.000 dân phải có một trường THPT. Tính theo số dân của Hà Nội hiện nay, chúng ta thiếu 154 trường. Điều này biết trước hàng chục năm mà chưa thể giải quyết được. Không thể nói về một thành phố sáng tạo khi bậc học phổ thông còn chưa đáp ứng được”.

Dù có ý kiến cho rằng các trường tư thục, công lập đang chia sẻ gánh nặng nhưng vấn đề ở đây là công bằng trong tiếp cận phúc lợi giáo dục. Với một thành phố phát triển như Hà Nội, khi nhiều quỹ đất được chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang bất động sản cho thấy tích lũy về tài chính là rất lớn. "Chúng ta đang có những dự án vẽ ra thành phố trong thành phố, thành phố vệ tinh... thành phố nào cũng cần phải có đủ chỗ học cho con trẻ, nhất là những đứa trẻ đã được định cư tại địa bàn", ông Trần Huy Ánh bày tỏ.

Có thể nói sự căng thẳng của kỳ thi vào lớp 10 do thiếu trường lớp không những không giảm mà ngày càng áp lực. Để tháo gỡ được những nút thắt, giảm áp lực cho học sinh THCS thi vào lớp 10 không chỉ là vấn đề của ngành giáo dục mà cần có sự đổi mới toàn diện và phối hợp đồng bộ nhịp nhàng của nhiều bộ, ngành khác nhau. Bởi vậy, trước khi chờ đợi những vấn đề này được giải quyết thì mỗi gia đình, mỗi phụ huynh cần thay đổi chính mình. Trước hết là giảm bớt sự kỳ vọng và chuẩn bị những phương án khác.

Về lý thuyết, học sinh không đỗ kỳ thi vào lớp 10 công lập vẫn có thể học tại các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc học nghề. Tuy nhiên, không mấy cha mẹ cam lòng cho con rẽ vào những con đường này bởi chất lượng nhiều trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên không bảo đảm; việc dạy nghề với những đứa trẻ lứa tuổi này chưa thực sự khiến phụ huynh yên tâm. Những trường tư có uy tín thì mức học phí cao, là thách thức tài chính cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, số lượng thí sinh đến tìm hiểu về chương trình Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic tăng mạnh so với các thời điểm khác trong năm. Số lượng hồ sơ đăng ký tham gia chương trình đào tạo này cũng khả quan hơn so với các thời điểm khác.

Ông Bùi Quang Hùng, Giám đốc Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết: “Để hấp dẫn và tạo sự tin tưởng của phụ huynh, trường không còn học tập theo khuôn mẫu, người học được “thực học-thực nghiệp”, tăng trải nghiệm thực chiến khi bước vào thị trường lao động. Gần 97,7% sinh viên FPT Polytechnic có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra, năm 2024, FPT Polytechnic còn cấp học bổng giảm 50% học phí năm đầu tiên cho sinh viên mới tại 9 tỉnh và học bổng tài năng lên đến 70% cho thí sinh mới nhập học giai đoạn trung cấp. Chương trình đào tạo của trường hướng đến các nhóm đối tượng học sinh sau tốt nghiệp THCS đã xác định ngành nghề yêu thích, phù hợp năng lực, điều kiện bản thân. Với 30 cơ sở, tại 25 tỉnh, thành phố trong cả nước, đơn vị đang đào tạo các ngành học thiết yếu, cơ hội việc làm rộng mở như: Ngành thiết kế đồ họa, ngành công nghệ thông tin (chuyên ngành ứng dụng phần mềm, phát triển phần mềm, lập trình web), ngành quản trị kinh doanh (chuyên ngành digital marketing, logistics, quản trị khách sạn nhà hàng, truyền thông và tổ chức sự kiện).

Thời điểm này, không ít phụ huynh đã đến tìm hiểu chương trình học cũng như đăng ký cho con học ở một số trường nghề. ThS Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bình quân mỗi ngày, bộ phận tuyển sinh nhận khoảng 20-30 hồ sơ đến đăng ký hệ 9+. Chỉ tiêu tuyển sinh hệ này năm 2024 tại trường là 300. Hiện tại, nhà trường đã tuyển sinh được 2/3 so với chỉ tiêu.

Theo báo Quân đội Nhân

Cùng chuyên mục

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN TRỰC TUYẾN

  • This field is for validation purposes and should be left unchanged.

Bình Luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *